Không tìm thấy sản phẩm nào.
Nước chiếm tới 60-70% trọng lượng cơ thể. Tỉ lệ nước ở trẻ em còn cao hơn. Nước là thành phần cấu thành tế bào và các mô của cơ thể; có vai trò rất quan trọng trong quá trình trao đổi chất, điều tiết lượng thể dịch, điều hòa thân nhiệt, vận chuyển các chất cặn bã đến cơ quan bài tiết rồi đào thải khỏi cơ thể.
Nước còn làm giảm độ quánh của máu tạo điều kiện cho máu lưu thông dễ dàng. Rõ ràng, nước là một nhu cầu tối cần thiết của cơ thể, đặc biệt với trẻ nhỏ; và người ta có thể nhịn ăn hằng tuần nhưng không thể sống nổi vài ngày nếu không được uống nước.
Bình thường, so với người trưởng thành hằng ngày trẻ cần nhiều nước hơn 3-4 lần (tính theo cân nặng cơ thể). Theo kinh nghiệm của các thầy thuốc nhi khoa, trong 10kg cân nặng cơ thể đầu tiên mỗi cân cần 100ml nước, 10kg tiếp theo mỗi cân cần 50ml nước, những cân tiếp theo, mỗi cân cần 20ml nước.
Theo đó, suy ra nhu cầu nước hằng ngày của trẻ. Chẳng hạn, một trẻ khỏe mạnh 4 tuổi, cân nặng chừng 13,5kg, trong điều kiện bình thường, mỗi ngày trẻ cần khoảng 1.200ml nước. Lượng nước này một phần do bữa ăn cung cấp (khoảng 450-550ml), một phần do chuyển hóa chất trong cơ thể đem lại (chừng 100-150ml); phần nước còn lại phải được đưa vào cơ thể bằng đường uống. Như vậy, hằng ngày cho trẻ này uống khoảng 500-600ml nước là đủ.
Nếu trẻ hiếu động, hay những hôm trời nóng nực, cần cho trẻ uống thêm. Nếu trẻ bị tiêu chảy, sốt cao, sốt xuất huyết… nhu cầu nước còn cao hơn nhiều. Khi nhiệt độ cơ thể tăng thêm 1oC, nhu cầu nước sẽ tăng thêm 12%. Trẻ bị tiêu chảy nặng có thể mất tới 1 lít nước trong 1 giờ. Dấu hiệu sớm nhất báo hiệu cơ thể bắt đầu bị thiếu nước là cảm giác khát. Khi thấy khát tức là cơ thể đã bị mất 1-2% nước.
Khi cơ thể mất 5% nước bắt đầu xuất hiện các rối loạn về chuyển hóa chất, có khi bị ngất; mất 10-15% nước, cơ thể sẽ trong tình trạng nguy kịch, có thể tử vong. Mất nước bao giờ cũng kéo theo mất một lượng đáng kể các chất điện giải (chủ yếu là kali, canxi, iod, sắt) và một số vitamin. Hậu quả là nhiều chức phận sống của cơ thể bị ảnh hưởng, các phản xạ có điều kiện và phối hợp động tác bị giảm sút rõ rệt, động tác kém chính xác, cơ thể chóng mệt mỏi, khó tập trung, kết quả học tập giảm sút…
Ngoài lượng nước do bữa ăn đem lại qua thức ăn như canh, nước rau, súp… cần cho trẻ uống nước đều đặn, trong đó 60% là nước đun sôi để nguội hoặc nước tinh lọc đóng chai, 20% từ sữa các loại (sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua uống và 20% nước ép trái cây tươi (cam, chanh…). Nước trái cây, sữa các loại… là những thức uống có giá trị dinh dưỡng cao, có thể cho trẻ uống hằng ngày.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thì với các loại quả tươi có thể cho trẻ ăn cả quả hoặc cho uống nước ép, nhưng ăn cả quả tốt hơn vì trẻ có thêm chất xơ (cellulose). Chất xơ trong quả chín hơn hẳn chất xơ của ngũ cốc vì mịn hơn, lại liên kết với pectin thành một phức hợp có tác dụng điều hòa nhu động ruột, ngăn ngừa táo bón.
Ăn cả trái chắc chắn là hơn hẳn uống nước trái cây đóng hộp vì loại này có nhiều đường, lại ít vitamin do đã bị hao hụt nhiều trong quá trình chế biến, bảo quản; chưa kể là các chất bảo quản có thể ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của trẻ. Bạn cũng có thể cho trẻ uống các loại nước “mát” như nước mía, nước rau má… 1-2 ly nhỏ mỗi ngày. Tất nhiên phải là nước sạch, được chế biến hợp vệ sinh.
Không nên cho trẻ uống nước đá vì dễ gây hư hại răng và làm trẻ bị viêm họng.
Không cho trẻ uống các thứ nước chứa nhiều năng lượng “rỗng” như nước ngọt các loại, nước tăng lực, nước hương trái cây… (vì thành phần chủ yếu của những thứ nước này là đường sucrose, thiếu các vitamin và chất khoáng cần thiết cho cơ thể), các thứ nước có chất kích thích như nước chè, cà phê, bia… và các loại nước giải khát có gas.
Các em thường mải chơi, nhiều em quên cả khát, do vậy những hôm trời nắng gắt, nhiệt độ ngoài trời lên đến 38-40oC, các bậc cha mẹ cần chủ động cho trẻ uống nước (với trẻ nhỏ) hoặc thường xuyên nhắc trẻ uống nước (với trẻ lớn). Những buổi dã ngoại, cần nhắc các cháu đem theo nước uống. Chỉ uống nước đá khi biết chắc là được làm từ nguồn nước sạch, được bảo quản, vận chuyển vệ sinh hoặc do từ tủ lạnh gia đình.
Về cách uống, thỉnh thoảng cho trẻ uống nước; không đợi trẻ đòi mới cho uống vì khi đó trẻ đã bị mất nước rồi, dù ở mức độ nhẹ. Những hôm trời nóng hoặc trẻ vừa chạy nhảy, vừa đá bóng hay chơi cầu lông… trẻ ra nhiều mồ hôi hơn, cần cho trẻ uống nhiều nước hơn. Thường thì khát bao nhiêu uống bấy nhiêu, nhưng nên nhắc các cháu uống từ từ, ít một, mỗi lần chỉ nên uống 100-150 ml nước, 15-20 phút sau lại uống tiếp vì uống một hơi cho đã khát như ta vẫn thấy chỉ làm cho tim phải làm việc nhiều, mồ hôi ra nhanh, lượng nước bốc hơi qua da nhiều hơn.’
Theo BS. NGUYỄN QUANG NGỌC
Báo Sức khỏe Đời sống
Nước có tác dụng trao đổi các chất trong cơ thể một cách dễ dàng hơn, Mùa hạ nhiệt độ cao, bé ra nhiều mồ hôi, lúc này nên chú trọng cung cấp nước cho trẻ. Xác định lượng nước như thế nào là thích hợp nhất cho trẻ?
Trẻ cần căn cứ theo thể trọng để xác định lượng nước cho thích hợp. Thông thường, lượng nước cần thiết cho trẻ nhỏ ngoài phần nước do các nhân tố dinh dưỡng trao đổi trong cơ thể sinh ra và thành phần nước có trong thực phẩm (sữa, nước ép, hoa quả), trẻ còn cần uống nước lọc trực tiếp để thỏa mãn nhu cầu cơ thể.
Lượng nước trung bình cho trẻ nhỏ khoảng 1 tuổi: 1 ngày/1 kg thể trọng bổ sung 120-160 ml; trẻ từ 2-3 tuổi: 1 ngày/1kg thể trọng bổ sung 100-140 ml nước. Theo tính toán này, trẻ nhỏ mỗi ngày bổ sung 1200-1600 ml nước. Ngoài lượng nước hấp thụ từ thức ăn, mỗi ngày nên uống trực tiếp 600 ml.
Nếu trẻ đi tả, nguyên tố khoáng chất trong cơ thể bị mất đi, đặc biệt cần bổ sung natri và kali, cho nên cần cho trẻ uống thêm chút nước muối lẫn đường. Chia tỉ lệ như sau: đường và muối tỉ lệ 1:1, hòa thêm lượng nước cần thiết, như thế mới có tác dụng bổ sung dịch thể, chống xói mòn các chất phân giải.
Vào những ngày nắng nóng, ngoài cho trẻ uống nước trắng mát, nên cho chúng uống chè đậu xanh, trà mát hoặc nước ép dưa hấu. Điều này không chỉ kịp thời giúp trẻ bổ sung phần nước còn thiếu, mà còn có tác dụng tản nhiệt, điều hòa nhiệt độ trong cơ thể. Ngoài ra, nước ô mai có thể giúp trẻ khai vị, nước ép dưa hấu có tác dụng lợi tiểu, giải cảm. Vào thời tiết nóng bức, trẻ ra nhiều mồ hôi, dễ nóng trong, lúc này nên để chúng uống nước.
Khi tiêu hóa không tốt. Ý dĩ cũng có tác dụng kiện tỳ, lợi thấp, giúp hồi phục chức năng tỳ vị. Cho trẻ uống nước ý dĩ với lượng vừa phải.
Ngoài ra, cha mẹ nên chú ý thêm một số vấn đề: Khi trẻ ra nhiều mồ hôi, không nên cho trẻ uống nhiều nước cùng một lúc, dễ gây trúng độc nước. Vì khi cơ thể ra nhiều mồ hôi sẽ mất đi một lượng muối cần thiết, sau khi uống quá nhiều nước, nước hấp thụ qua dạ dày đường ruột, đồng thời cũng thải lượng muối nhiều hơn dẫn đến lượng hấp thụ huyết dịch giảm thấp, nước bị hấp thụ nhanh vào trong tổ hợp tế bào, gây ra phù tế bào, xuất hiện các triệu chứng đau đầu, hoa mắt chóng mặt.